Thói quen nhỏ, khác biệt lớn
Thói quen là những hành vi bạn thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại đến mức trở thành phản xạ tự nhiên, không cần suy nghĩ nhiều khi thực hiện. Thói quen mang tính chất lãi kép
, nghĩa là chúng sẽ tích lũy giá trị theo thời gian
. Tuy nhiên, để đạt được kết quả, bạn cần kiên trì thực hiện và chờ đợi đến ngưỡng bứt phá, bởi thành quả thường không xuất hiện ngay lập tức và khó nhận ra trong ngắn hạn.
Thật dễ để đánh giá cao tầm quan trọng của một khoảnh khắc quyết định nào đấy và coi nhẹ đi giá trị của việc tạo ra các tiến bộ nhỏ hằng ngày. Ta luôn tự thuyết phục bản thân rằng thành công lớn phải xuất phát từ hành động lớn. Từ việc giảm cân, tạo dựng sự nghiệp, viết một cuốn sách hay đạt được một mục tiêu bất kỳ nào khác chúng ta đều ép buộc bản thân phải tạo ra một cải tiến kinh thiên độc địa khiến cho ai cũng phải nhớ tới
Trong khi đó cải thiện 1% lại chẳng đáng kể - đôi khi còn chẳng được nhận thấy nhưng nó lại vô cùng ý nghĩa đặc biệt là về lâu dài. Áp dụng công thức lãi kép nếu bản thân bạn cứ tốt hơn 1% vào mỗi ngày trong vòng một năm thì giá trị bạn nhận được là gấp 37 lần. Ngược lại nếu mỗi ngày tệ hơn 1% trong vòng một năm thì bạn sẽ suy giảm xuống gần bằng 0.
1% tệ hơn mỗi ngày trong một năm ↔ 0.99^365 = 0.03
1% tốt hơn mỗi ngày trong một năm ↔ 1.01^365 = 37.78
Một thay đổi nhỏ trong thói quen thường ngày có thể chuyển hướng cuộc đời bạn đến một điểm hạ cánh rất khác. Đưa ra quyết định tốt hơn 1% hay tệ hơn 1% dường như vô nghĩa vào thời điểm đó, nhưng trải qua một khoảng thời gian đủ dài để tạo thành một đời người, các quyết định này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa việc bạn là ai và bạn có thể là ai. Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày - không phải một lần trúng số.
Tạm quên đi mục tiêu, tập trung vào hệ thống
Nên tập trung vào việc xây dựng và tối ưu hóa hệ thống
, thay vì chỉ đặt mục tiêu. Mục tiêu giúp bạn xác định kết quả muốn đạt được, nhưng hệ thống mới là quá trình cụ thể dẫn đến kết quả đó.
Vậy liệu có phải mục tiêu hoàn toàn vô dụng? Câu trả lời là không. Mục tiêu có tác dụng rất tốt trong việc định hướng nhưng hệ thống mới thực sự hiệu quả cho việc tiến bộ. Sẽ có hàng đống vấn đề phát sinh nếu bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về mục tiêu và không có đủ thời giờ thiết kế hệ thống để hiện thực hóa mục tiêu đấy.
Vấn đề 1: Người thắng và kẻ thua đều có cùng mục tiêu
Chúng ta quá tập trung vào những người đã chiến thắng - những kẻ sống sót và hiểu nhầm rằng mục tiêu, tham vọng là chìa khóa thành công của họ. Trong khi bỏ quên mất vô số những con người có cùng mục tiêu đấy lại không đạt được sự thành công.
Có thể khẳng định rằng mục tiêu vẫn luôn ở đó. Chỉ những thói quen nhỏ và nỗ lực mỗi ngày để cải thiện hệ thống mới giúp ta tạo nên sự khác biệt.
Vấn đề 2: Mục tiêu tạo ra một phiên bản hạn hẹp về hạnh phúc
"Chừng nào đạt được mục tiêu, tôi mới hạnh phúc". Đây là một cái bẫy khiến bạn liên tục đặt hạnh phúc qua một bên cho đến khi đạt được mục đích tiếp theo. Hạnh phúc luôn là thứ gì đó xa vời mà chỉ bản thân tương lai mới xứng đáng được hưởng.
Bên cạch đó nó tạo ra suy nghĩ "Được ăn cả ngã về không". Hoặc bạn đạt được mục tiêu mình đề ra và thành công, hoặc bạn thất bại và sống một cuộc sống hổ thẹn. Tinh thần bị đóng khung vào một phiên bản hạn hẹp về hạnh phúc.
Niềm vui không nằm ở đích đến mà ở quá trình.
Vấn đề 3: Mục tiêu không đảm bảo cho sự bền vững
Nếu bạn đạt được mục tiêu một cách bất ngờ, chẳng hạn như bỗng nhiên trở nên giàu có, bạn có thể không biết cách duy trì nó, bởi ngay từ đầu đó không phải là thành quả do bạn xây dựng. Thay vì mơ mộng về một tương lai xa vời, hãy tập trung xây dựng bản thân thành một con người có giá trị và đủ khả năng tạo nên sự giàu có bền vững.
Những gì thực sự thuộc về bạn sẽ luôn ở lại với bạn, còn những gì không phải là của bạn dù có cố gắng níu giữ chúng cũng sẽ rời đi.
Thói quen định hình căn tính con người và ngược lại
Căn tính ↔ Hành vi → Kết quả đầu ra
Thay đổi thói quen là một việc khó bởi hai lý do: (1) Chúng ta cố gắng thay đổi sai việc, (2) Chúng ta cố gắng thay đổi thói quen sai cách.
Kết quả đầu ra là cái bạn muốn có, quy trình là cái bạn làm và căn tính identity
là cái bạn tin. Khi nói đến việc xây dựng thói quen bền vững thì vấn đề không nằm ở chỗ cấp độ nào tốt hơn hay tệ hơn. Tất cả các cấp độ thay đổi đều hữu hiệu theo cách riêng của nó. Vấn đề nằm ở phương hướng thay đổi.
Nhiều người bắt đầu quá trình thay đổi bằng cách tập trung vào cái họ muốn đạt được. Điều này dẫn đến thói quen dựa trên đầu ra. Nên thay thế bằng việc xây dựng thói quen dựa trên căn tính, tập trung vào con người mà ta muốn trở thành. Cấp độ này liên quan đến việc thay đổi niềm tin: thế giới quan, sự tự nhận thức, giả định và thiên kiến.
Hai người đàn ông đang cai thuốc. Khi được mời một điếu, người đầu tiên nói "Không, cảm ơn. Tôi đang cai thuốc". Nghe có vẻ là một câu trả lời hợp lý, nhưng trong thâm tâm người này vẫn tin rằng mình là một người hút thuốc đang cố trở nên khác đi. Anh ta hy vọng hành vi của mình sẽ thay đổi trong khi vẫn giữ niềm tin cũ.
Người thứ hai từ chối bằng câu trả lời "Không, cảm ơn. Tôi không hút thuốc". Đây là một sự khác biệt nhỏ nhưng là dấu hiệu cho một sự chuyển đổi trong căn tính. Hút thuốc là một phần của cuộc sống cũ không phải con người tôi bây giờ.
Đằng sau mỗi hệ thống hành động đều có một hệ thống niềm tin, một căn tính đằng sau các thói quen. Hành vi mà không tương thích với cái tôi thì sẽ không bền vững.
Thay đổi căn tính - Identity
Căn tính được trồi lên từ các thói quen. Bạn không được sinh ra với niềm tin có sẵn. Một niềm tin bao gồm cả những niềm tin về bản thân, đều được học và quy định thông qua kinh nghiệm.
Nói đúng hơn thói quen bạn có chính là cách bạn thể hiện căn tính của mình ra ngoài. Khi bạn viết mỗi ngày bạn thể hiện căn tính của một người sáng tạo.
Bạn càng lặp đi lặp lại một hành vi bao nhiêu thì bạn càng củng cố căn tính gắn với hành vi đấy bấy nhiêu. Thuật ngữ identity (căn tính) nguồn gốc phát sinh từ một từ Latinh "essentitas" nghĩa là "being" (sự tồn tại) và "indentidem" nghĩa là lặp đi lặp lại. Căn tính về nghĩa đen là sự tồn tại lặp đi lặp lại.
Dĩ nhiên thói quen không phải là hành động duy nhất ảnh hưởng đến căn tính, chúng phải đi cùng với tần suất. Mỗi kinh nghiệm bạn trải qua trong đời đều hình thành cái tôi của bạn. Nhưng hiếm khi nào ta định nghĩa mình là họa sĩ chỉ vì đã nguệch ngoạc ra một bức tranh. Tuy nhiên khi bạn lặp đi lặp lại hành động này chứng cớ sẽ tích lũy và hình ảnh bản thân bạn bắt đầu chuyển dịch.
Đây là một tiến trình tiến hóa dần dần. Chúng ta không thay đổi bằng cách đếm đầu ngón tay và quyết định rằng mình trở thành một người hoàn toàn mới. Chúng ta thay đổi từng chút một, từng ngày một, từng thói quen một. Cái tôi của chúng ta liên tục trải qua việc tiến hóa từng bước nhỏ.
Con đường thực tế nhất để thay đổi con người hiện tại của bạn chính là thay đổi điều bạn làm
Mỗi hành động là một lá phiếu cho con người bạn muốn trở thành. Mặc dù con người thì luôn mắc phải nhiều tội lỗi, nhưng tin tốt là để chiến thắng được thì ta không cần tuyệt đối các phiếu bầu, cái ta cần là đa số các lá phiếu thuận về ta.
Cách vận hành của thói quen
Tất cả các thói quen đều tiến triển qua bốn giai đoạn theo một trật tự | |
---|---|
1 | Tín hiệu (Cue) Một tín hiệu kích hoạt hành vi. Ví dụ, khi bạn thức dậy và thấy bàn chải, bạn bắt đầu đánh răng. |
2 | Khao khát (Craving) Mong muốn thực hiện hành vi để đạt được cảm giác hoặc lợi ích nào đó. |
3 | Hành động (Response) Hành vi thực sự xảy ra. |
4 | Phần thưởng (Reward) Kết quả hoặc cảm giác tích cực sau khi thực hiện thói quen, giúp củng cố hành vi đó. |